Quán bánh xèo đầu bếp luôn tay đổ bánh vẫn không kịp cho thực khách, bánh tráng thịt heo hai đầu da, mít trộn "bà già" là những quán ăn được nhiều du khách truyền tai nhau khi khám phá ẩm thực Đà Nẵng.
Bánh xèo 30 năm
Từ lâu, bánh xèo bà Dưỡng đã trở thành “thương hiệu” đối với khách khi du lịch Đà Nẵng. Dù giá mỗi đĩa bánh xèo lên tới 55.000 đồng, cao hơn những nơi khác nhưng quán vẫn tấp nập. Bánh xèo vàng ruộm với rau sống, đu đủ chua và dưa leo. Suốt 30 năm, quán bánh xèo của đại gia đình bà Dưỡng vẫn giữ được hương vị thơm ngon, mộc mạc chính hiệu miền Trung.
Bánh xèo đúng hương vị của miền Trung. Ảnh: I.T
Nguyên liệu làm bánh phải dùng loại gạo xiệc ở Quảng Nam pha thêm ít bột nghệ để tạo màu và ngâm trong bốn giờ để gạo mềm, mịn, khi chiên trên bếp miếng bánh sẽ có vị dẻo và giòn. Để có bánh xèo ngon phải để lửa to khi đổ bánh, rồi cho nhân gồm giá đỗ, thịt bò, tôm sông đến khi bánh chín thì gập đôi lại, khi ăn có mùi thơm ngậy.
Bánh được dọn ra đĩa nóng hổi, cắt đôi miếng bánh cho dễ cuốn, bên cạnh là đĩa rau sống, đu đủ chua và dưa leo cuốn kèm bánh tráng mỏng.
Quán mít trộn ‘bà già’
Mít trộn “bà già” là địa chỉ được nhiều du khách truyền tai nhau khi khám phá ẩm thực Đà Nẵng. Quán nằm trong hẻm nhỏ trên đường Lý Thái Tổ, không có bảng hiệu nhưng luôn đông nghịt khách. Chủ quán là bà Nguyễn Thị Mông, 76 tuổi, đã gắn bó với quán này hơn 30 năm. Tất cả các khâu từ đi chợ chọn nguyên liệu, trộn mít, nêm gia vị… đều do chính tay bà làm, con cái trong nhà phụ giúp bưng bê cho khách.
Món mít trộn da heo là món ăn chơi hấp dẫn khi du lịch Đà Nẵng.
Để chế biến món ăn này rất cầu kỳ trong khâu chế biến. Ngay từ việc luộc mít, cần giữ cho mít vừa dai vừa ngọt, tuyệt đối không để bị chát. Da heo cũng phải chọn loại da không quá mềm không quá dai. Các nguyên liệu khác như đu đủ, ớt, rau thơm… cũng được mua hàng ngày để đảm bảo độ tươi ngon.
Món ăn có vị cay đặc trưng của ẩm thực Đà Nẵng, mít trộn và da heo đều đậm đà, thấm gia vị. Quán mở từ 3h chiều đến 10h tối, đông khách nhất là 5-6h chiều. Mỗi phần mít trộn giá 10.000 đồng, bánh tráng ăn kèm giá 3.000 đồng.
Bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu da
Rất nhiều du khách tò mò tại sao thịt heo xắt lát lại có thể hai đầu da. Thịt làm món này được lấy từ thịt phần mông của heo (hay đùi gọ), luộc lên và cắt thành những miếng mỏng chỉ vài mm (rộng từ 3-5cm, dài 10-15cm) khi đó miếng thịt vẫn còn giữ lại lớp mỡ và da ở hai đầu.
Tất nhiên thịt heo cũng phải ăn kèm theo những nguyên liệu khác mới đúng bài bản. Đầu tiên là mì lá, được làm từ bột gạo tráng thành bánh mỏng khoảng 1mm gần giống bánh ướt. Tiếp theo rau với các loại như xà lách, tía tô, diếp cá, rau đắng, húng quế, chuối chát, giá, dưa leo… tạo nên sự khác biệt trong hương vị. Món này cũng không quên bánh tráng và cuối cùng một loại nước chấm không thể thiếu, đó là mắm nêm – cũng một loại đặc sản của Đà Nẵng. Tất cả hòa quyện tan trong miệng đến khó tả. Bạn có thể ăn ở Quán Trần (quận Thanh Khê) và số 4 Lê Duẩn (quận Hải Châu)…
Mì Quảng
Mì Quảng – một món ẩm thực truyền thống không thể thiếu của người dân Đà Nẵng và Quảng Nam. Mì Quảng với sợi mì to, dẹp và dày hơn sợi phở miền Bắc. Vốn là một món bình dị, nên tô mì cũng có nguyên liệu khá đa dạng như thịt, tôm, cá… tất cả không theo nguyên tắc cố định nào, kết hợp với nước dùng trong vừa ngọt vừa béo cùng rau sống đủ loại tạo ra một món ăn mang đặc trưng riêng của xứ Quảng.
Mì Quảng rất phổ biến, các bạn có thể thưởng thức ở bất cứ quán nào có bán, sau đây là một số quán: Quán Bà Mua, đường Trần Bình Trọng, quận Hải Châu; Mì xứ Quảng đường Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu.
Bún mắm nêm
Bún mắm nêm – đơn giản chỉ là bún, mắm nêm và một số nguyên liệu khác, nhưng điều thu hút bởi món mắm được chế biến từ cá cơm, cá thu hoặc loại cá khác, thêm một số gia vị gồm tỏi, ớt, đường, thơm (dứa) băm nhuyễn… một chút nước sôi để nguội, khuấy đều tất cả, cuối cùng đã tạo ra mùi vị mắm nêm chan bún đầy quyến rũ.
Bún mắm nêm với hương vị đặc trưng của mắm. Ảnh: I.T
Các địa chỉ du khách nên đến như bún mắm nêm Bà Thuyên đường Lê Duẩn, quận Thanh Khê; khu bún mắm trên đường Trần Khế Xương…