Sáng 12/12, tại TPHCM, báo TheLEADER của Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Chiến lược gia tăng giá trị bất động sản”. Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, thị trường bất động sản (BĐS) xuất hiện nhiều xu hướng mới và vẫn còn một số khó khăn trong ngắn hạn. Vì vậy, các nhà đầu tư phải tạo ra những sản phẩm BĐS đa dạng, đa tiện ích, phù hợp nhu cầu sử dụng của người mua.
Mỗi năm phát triển mới hơn 70 triệu m2 sàn nhà ở
Tại hội thảo, TS Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho biết: Trong năm 2018, thị trường BĐS chứng kiến sự phát triển khá ổn định; nguồn cung khá dồi dào, phong phú; nhu cầu thực chất sử dụng BĐS ngày càng tăng rõ rệt. Các nhà đầu tư phát triển dự án BĐS đã nỗ lực khi liên tục tung ra các loại sản phẩm mới với sự đa dạng về tiện ích, đồng bộ về dịch vụ và chất lượng ngày càng cao hơn. Đặc biệt là xu hướng hình thành các dự án đại đô thị đa tiện ích, đa chức năng, những sản phẩm BĐS siêu sang, ứng dụng công nghệ trong các dự án BĐS…
Tuy nhiên, chuyên gia bất động sản Long Phát cho biết, thị trường BĐS trong thời gian qua cũng cho thấy vẫn còn sự bất cập về cung cầu như: thiếu nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội; thiếu các sản phẩm thuộc phân khúc trung bình của các chủ đầu tư uy tín có khả năng thanh khoản cao; những sản phẩm cao cấp có xu hướng giao dịch chững lại.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam phân tích: Đối với thị trường BĐS Việt Nam, tuy mới hình thành nhưng đã có bước phát triển tích cực, làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao mức sống của nhân dân. Riêng lĩnh vực nhà ở, trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến nay, mỗi năm Việt Nam đã phát triển mới được trung bình khoảng hơn 70 triệu m2 sàn nhà ở. Đến nay, cả nước ước tính có khoảng 2,1 tỷ m2 nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 9,7m2/người năm 1999 lên 23,7m2 vào tháng 6/2018.
Sau giai đoạn 2006 – 2010, thị trường BĐS phát triển nóng và trong giai đoạn 2011 – 2013 rơi vào tình trạng trầm lắng, “đóng băng”. Giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Chính phủ chỉ đạo một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu, cùng với việc ban hành các đạo Luật mới đã giúp cho thị trường BĐS phục hồi và phát triển tích cực kể từ năm 2014 đến nay, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nợ xấu.
Ngắn hạn khó khăn, trung và dài hạn khởi sắc
Cũng tại hội thảo, TS Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng: Trong thời gian qua, về công tác quản lý và phát triển đô thị cũng đang nổi lên nhiều vấn đề lớn. Đó là độ nén đô thị tại các TP lớn ngày càng tăng khiến giao thông và khả năng cung cấp dịch vụ tại các TP này ngày càng phức tạp. Chính quyền của nhiều TP lớn đang tính toán và đưa ra nhiều giải pháp cho bài toán quy hoạch và phát triển đô thị.
Theo TS Hàn Mạnh Tiến, những vấn đề này đã và đang tác động mạnh mẽ đến thị trường BĐS, đặt ra đòi hỏi nghiêm khắc cho các đơn vị phát triển dự án tại các đô thị phải ngày càng chuyên nghiệp hơn, nghiên cứu sâu hơn, đầu tư sáng tạo hơn, tạo ra nhiều giá trị sử dụng hơn để có được các sản phẩm BĐS đa dạng, đa tiện ích, phù hợp nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người mua cũng như phù hợp với tình hình mới về quản lý đô thị.
Đưa ra những dự báo về thị trường BĐS trong thời gian tới, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam nhận định: Trong thời gian trung và dài hạn, Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn để đầu tư kinh doanh BĐS khi nhà ở, hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, BĐS nghỉ dưỡng… của Việt Nam còn rất lớn. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa sẽ diễn ra với tốc độ cao, dân số đô thị sẽ tăng nhanh, nhất là tại các đô thị lớn; thu nhập bình quân đầu người đã vượt ngưỡng các nước thu nhập thấp, năm 2018 đạt 2.550 USD… sẽ là những yếu tố để thị trường BĐS Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới.
Còn trong thời gian ngắn hạn, thị trường BĐS gặp một số khó khăn. Đó là Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng và hạn chế cho vay vào các lĩnh vực rủi ro như BĐS, chứng khoán, đồng thời cũng nâng hệ số rủi ro cho vay BĐS từ 150% lên 200%. Các động thái này khiến các doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn để tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Cùng với đó là một số khó khăn về thủ tục hành chính; phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá phải chăng; thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
Theo chuyên gia nghiên cứu bất động sản Địa Ốc Long Phát nhận định: Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, có 5 xu hướng lớn sẽ định hình thị trường BĐS. Đó là: sự chuyển đổi sang mô hình phát triển căn hộ một cách bền vững hơn như chuyển dịch sang xây dựng các căn hộ dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, nhà ở xã hội; sự phát triển của các căn hộ siêu nhỏ, căn hộ nano, nhất là khu vực trung tâm TP; xu hướng các TP tích hợp hay các khu đô thị mới quy hoạch tích hợp hình thành; xu hướng không gian văn phòng linh hoạt và cho thuê trong thời hạn ngắn với mức giá khác nhau; và xu hướng hình thành kênh bán lẻ thị trường BĐS.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM Nguyễn Thanh Nhã cho hay: TPHCM hiện nay đang đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển đô thị TP theo đúng quy hoạch và điều kiện thực tế của mình. Đồng thời, đứng trước những thay đổi nhanh chóng, cũng như những áp lực mới đang xảy ra, TPHCM đang định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP hiện nay làm cơ sở cho phát triển và xây dựng TP trong tương lai. Do đó, TP đang hoàn thiện hệ thống pháp lý, hành lang pháp lý để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, cho cộng đồng doanh nghiệp, cho người dân tham gia đầu tư phát triển TP để chất lượng sống của TP ngày càng tốt hơn.