Sau khi té từ cây nhãn xuống, bé trai bị đau hông trái, huyết áp tụt, máu tràn ra ổ bụng và vỡ lá lách.
Ít ngày trước khi đang trèo cây nhãn, T.Q.H (sinh năm 2005, ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) té ngã và bị đau hông trái. Gia đình lập tức chuyến em H. vào cấp cứu tại bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (TP. Cần Thơ) trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt.
H. được chẩn đoán vỡ lá lách độ 4, cuốn lá lách bị đứt ngang, trong ổ bụng có dịch và gần 1.500 ml máu.
Trước tình trạng nguy hiểm này, ekip bác sĩ cấp cứu đã nhanh chóng phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ lá lách và sử dụng phương pháp truyền máu hoàn hồi để lấy máu trong ổ bụng truyền lại cho bé.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi hồi phục tốt và đã xuất viện sau 4 ngày điều trị.
Ths.BS Nguyễn Hữu Kỳ Phương, Trưởng khoa Tiêu hóa BV Hoàn Mỹ Cửu Long chia sẻ, việc cắt bỏ lá lách không ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân nên đi chích ngừa phế cầu để phòng ngừa viêm phổi cũng như chú ý phòng tránh các bệnh nhiễm trùng.
Trường hợp bệnh nhân H vì lượng máu mất đi rất lớn, bệnh nhân có thể trụy mạch, sốc, nếu không có máu bù kịp thời và có thể chết rất nhanh. Phương pháp truyền máu hoàn hồi bảo đảm phòng lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng qua truyền máu, loại trừ được các phản ứng miễn dịch đồng loài do bất đồng nhóm máu và không gây tai biến gì cho người bệnh.
“Truyền máu hoàn hồi hay còn gọi là truyền máu tự thân. Đây là phương pháp lấy máu của bệnh nhân để truyền lại cho chính bệnh nhân, được xem là một phương pháp hỗ trợ tối ưu để sử dụng trong các phẫu thuật có nguy cơ mất máu lớn, đặc biệt là các ca phẫu thuật cấp cứu mạch máu, tim mạch, vỡ gan, vỡ lách, thai ngoài tử cung vỡ” – bác sĩ cho biết.
Phương pháp này rất hiệu quả trong các trường hợp cấp cứu ngoại và sản khoa (chấn thương gây mất máu cấp, thai ngoài tử cung vỡ…), khi bệnh nhân mất máu cấp tính mức độ nặng, cần được bù gấp mà chưa có sẵn chế phẩm máu hoà hợp để sử dụng.
>>> Đọc thêm: Sức khỏe bé trai được CSGT đưa đi cấp cứu giờ thế nào?