Trước thông tin một bệnh nhân cho rằng Bệnh viện FV “trước nói không có thai, cấp thuốc tống dịch ứ trong tử cung ra ngoài, sau lại bảo có thai”, đơn vị này cho biết sẽ kiện bệnh nhân vì đã bóp méo sự thật.
Liên quan đến vụ việc một phụ nữ tên Nguyễn Thị Mộng Châu bức xức “tố” Bệnh viện (BV) FV (quận 7, TP.HCM) làm việc không có y đức, sáng nói mình không có thai nhưng điều trị bằng Misoprotol (thuốc phá thai) gây băng huyết xong lại báo thai hư, ngày 27/6 phía BV đã cung cấp kết luận của Hội đồng chuyên môn do nơi này thành lập.
Theo chị Châu, sáng 19/6 chị đến khám tại bệnh viện FV (quận 7, TP.HCM). Tại đây sau khi siêu âm và thử nước tiểu, các bác sĩ kết luận chị không có thai nhưng có dịch ứ trong lòng tử cung.
Để giải quyết tình trạng này, bác sĩ đã kê 10 viên Misoprotol 200mcg (dùng để tống dịch trong tử cung ra ngoài – thường dùng trong trường hợp phá thai ở giai đoạn sớm) cho bệnh nhân với liều dùng 2 viên/lần, kéo dài trong 2 ngày và giải thích với bệnh nhân rằng thuốc này có tác dụng đẩy “dịch ứ” ra ngoài.
Sau khi uống Misoprotol vào chiều cùng ngày (kèm 1 viên Tranexamic acid 500mg), ít giờ sau chị Châu đi vệ sinh ra 1 khối máu khoảng 5cm và máu bắt đầu ra âm ỉ. Đến khuya thì người phụ nữ ra huyết lần 3, tình trạng khá nặng.
Chị được gia đình đưa trở lại Bệnh viện FV cấp cứu. Tại đây sau khi cấp cứu, truyền máu, bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám lại. Tuy nhiên lúc này, kết quả thử nước tiểu của chị Châu lại cho kết luận bệnh nhân mang thai.
Bệnh viện FV sẽ kiện khách hàng lâu năm
Lý giải về trường hợp này, Bệnh viện FV cho rằng, với các dữ kiện từ lâm sàng, kết quả thử thai bằng que âm tính và hình ảnh siêu âm của ngày 19/6 thì bác sĩ chẩn đoán ban đầu là ứ dịch hoặc máu lòng tử cung (do sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp) hoặc là thai đã ngừng tiến triển trong tử cung và bám một phần trong sẹo mổ lấy thai là đúng. Do vậy việc sử dụng Misoprostol là phù hợp.
Tuy nhên, tới rạng sáng ngày 20/6, khi bệnh nhân vào cấp cứu, với bệnh sử lâm sàng và kết quả thử thai dương tính thì bác sĩ xử trí cấp cứu hút cầm máu và đặt bóng chèn cũng phù hợp.
Tới thời điểm hiện tại dựa vào siêu âm, Beta hCG, giải phẫu bệnh mô lấy được từ lòng tử cung thì Bệnh viện FV chẩn đoán thai đã ngừng tiến triển có bám một phần vào sẹo mổ lấy thai là phù hợp.
Dựa vào những kết luận của bệnh viện, BS Jean – Marcel Guillon, Tổng Giám đốc BV FV cho rằng những thông tin mà chị Châu đăng tải trên mạng xã hội là không đầy đủ, không khách quan và bị bóp méo.
Theo BS Jean, về mặt y khoa câu chuyện của chị Châu rất đơn giản. Bệnh nhân đã hư thai từ trước và lựa chọn phương pháp dùng thuốc Misoprotol là của bệnh nhân.
Trả lời câu hỏi vì sao ban đầu kết quả test nước tiểu thử thai và siêu âm cho bệnh nhân là âm tính (không có thai), nhưng sau khi chị Châu dùng thuốc để “đẩy dịch ứ” trong tử cung, băng huyết và trở lại BV thì kết quả test lại là dương tính, phía BV cho rằng thử thai bằng que là một trong những cách để chẩn đoán rõ ràng.
Bệnh nhân Châu đến vì rong kinh rong huyết nhiều ngày, trên siêu âm chỉ ghi nhận tụ dịch chứ ko có túi thai, bác sĩ cho xét nghiệm test thử thai để có kết quả nhanh. Phương pháp này có tỷ lệ chính xác khá cao, tầm 95-97%, được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi. Dù vậy vẫn có tỷ lệ nhỏ âm tính giả. Nhưng cho dù kết quả thử thai là dương tính hay âm tính, việc điều trị vẫn không thay đổi, bởi đây là một trường hợp thai đã hư và cần phải được chấm dứt.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc Tiếp thị và Phát triển Kinh doanh của BV, bệnh nhân là một khách hàng lâu năm tại đây. Mặc dù các bác sĩ đã giải thích rõ nhưng bệnh nhân vẫn đăng thông tin sai lệch lên gây ảnh hưởng đến uy tín của BV. BV phải tổ chức hội đồng chuyên môn, mời nhiều chuyên gia về sản phụ khoa trong thành phố đến để kiểm tra.
“Để bảo vệ quyền lợi cho hơn 130 bác sĩ và 1.100 nhân viên đang làm việc tại BV, chúng tôi phải đâm đơn kiện bệnh nhân. Luật đã quy định rõ là nghiêm cấm cá nhân, tổ chức đưa thông tin sai lệch, bôi nhọ đến uy tín, danh dự của bất kỳ một ai nên BV có quyền kiện lại. BV không chia sẻ thông tin liên quan đến bảo mật của bệnh nhân, nhưng khi bắt buộc phải chia sẻ. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác” – Bà Thu thuật lại lời Tổng Giám đốc BV.
Ngoài ra bà Nguyễn Thị Lệ Thu tiết lộ thêm, trước khi xuất viện bệnh nhân có yêu cầu bỏ thông tin sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp sau quan hệ tình dục cách đó khoảng 4 tuần ra khỏi bệnh án.
Tuy nhiên đề nghị này không được chấp nhận vì đây là dữ kiện lâm sàng để xác định nguyên nhân bệnh nhân chảy máu bất thường. Bà Thu cho rằng đây là lý do khiến bệnh nhân phản pháo BV bằng những thông tin sai lệch.
“Bệnh viện FV đối xử với bệnh nhân quá tệ”
Chị Nguyễn Thị Mộng Châu cho biết điều này và khẳng định một lần nữa những gì mình phản ánh là sự thật.
“Chẳng ai đủ can đảm để lấy tính mạng, sự sống của mình ra để diễn 1 vở kịch đầy máu và nước mắt như vậy” – chị viết.
Theo chị Châu sau sự việc trên thì trong ngày 25/6, chị có đến BV FV tái khám lại theo lịch. Tuy nhiên trong lúc khám, Ban Giám đốc của BV bất ngờ xuất hiện.
“Một ông Tây và một phụ nữ người Việt đường đột đẩy cửa bước vào. Không 1 lời hỏi thăm, ông Tây lên giọng giận dữ và khẳng định sẽ thưa tôi ra tòa án vì “cố tính vu khống bác sĩ điều trị và đăng lên facebook có tính toán”. Chồng tôi nói chúng tôi đến đây để điều trị, trong khi cô ấy bị như vậy, ông có thể nói chuyện này với tôi vào lúc khác không? Nhưng họ vẫn cố gắng nói tiếp, cắt ngang cả buổi thăm khám, họ không ngừng xúc phạm chúng tôi bằng những lời lẽ khó nghe” – chị Châu kể.
Quá sốc và đuối sức nên khi ra đến thang máy, bệnh nhân đã ngất xỉu, được đưa trở lại khoa Sản để hồi sức.
Trong cuộc họp báo, trước câu hỏi của phóng viên về việc có 2 người dùng lời lẽ không hay với người bệnh ở phòng khám, bác sĩ Jean – Marcel Guillon, Tổng giám đốc (TGĐ) bệnh viện và bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc tiếp thị và phát triển kinh doanh của bệnh viện FV không phủ nhận sự việc này.
>>> Đọc thêm: Một phụ nữ ‘tố’ bệnh viện FV không xác định được mình mang thai, dùng Misoprotol điều trị dẫn đến mất con