Nặn, khều mụn có thể khiến da nhiễm trùng, loét da, gây sẹo hoặc mất sắc tố ở vùng da bị tổn thương.
BS Ngô Minh Vinh, giảng viên bộ môn Da liễu, trường Đại học Y dược TPHCM, cho biết mụn thịt còn gọi là u tuyến mồ hôi. Là khối u lành tính, mụn hay gặp ở lứa tuổi trung niên và nữ nhiều hơn nam giới. Nguyên nhân nổi mụn thịt chủ yếu là di truyền. Mụn có thể xuất hiện và tình trạng nặng hơn trong môi trường nhiệt độ cao hoặc điều kiện vệ sinh kém.
“Biểu hiện trên da là các sẩn nhỏ đường kính 1-3 mm, màu trắng hoặc vàng. Mụn thịt thường xuất hiện nhiều nhất là ở quầng mắt, trán, các vị trí ít gặp khác như trên mặt, cổ, gáy và ngực”, ông Vinh nói.
Theo BS Vinh, chưa có một loại thuốc uống hoặc bôi nào điều trị hiệu quả bệnh này. Phương pháp dùng tia laser khá phổ biến nhưng có thể làm tổn thương các mô xung quanh da mụn dễ gây sẹo và mất sắc tố da.
Một phương pháp điều trị mụn thịt được áp dụng gần đây là công nghệ laser CO2 phân đoạn để đốt cháy cồi nhân bên trong mụn. Với phương pháp này, vùng da xung quanh ít bị ảnh hưởng nên giảm các biến chứng, ông Vinh cho biết thêm.
BS Vinh khuyến cáo, người bệnh tuyệt đối không nặn, khều, bứt hay bôi bất kỳ loại kem trị mụn thịt nào. Những cách thức này khiến mụn mọc nhiều hơn, gây loét, nhiễm trùng, để sẹo và mất sắc tố da.
“Nên đến bác sĩ da liễu để chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt, tránh tình trạng lây lan mụn, tổn thương da gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ”, BS Vinh nhấn mạnh.
Theo Cẩm Anh – VnExpress