Rám má là bệnh da tăng sắc tố mắc phải có căn nguyên và cơ chế bệnh sinh rất phức tạp. Mặc dù bệnh lành tính nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và thẩm mỹ của người bệnh.
Vị trí thường gặp là ở 2 má, môi trên, cằm, trán. Ở phụ nữ bệnh có thể tự phát hoặc có liên quan đến giai đoạn mang thai.
Theo bác sĩ da liễu Nguyễn Quỳnh Ân, yếu tố gene đóng vai trò chính trong cơ chế bệnh sinh của rám má. Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ, những người có nước da sáng tỉ lệ mắc bệnh rám má cao hơn những người có nước da sẫm màu.
Có khoảng 30% bệnh nhân có tiền sử gia đình rám má. Bên cạnh đó còn phải kể đến các nguyên nhân như thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, sự thay đổi của nội tiết tố, đặc biệt là phụ nữ có thai.
Ngoài ra, những người thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất như nhà máy hóa dầu, bán dầu mỡ, công nhân sản xuất nước hoa… cũng có tỉ lệ cao hơn nhóm dân cư bình thường
Cho đến nay, cơ chế bệnh sinh của rám má chưa rõ ràng, một số trường hợp thấy có mối liên quan trực tiếp tới nồng độ hormon nữ. Một số nhà khoa học cho rằng sự rối loạn nội tiết liên quan đến các nội tiết tố, đặc biệt là Estrogen.
Estrogen tác động đến các tế bào sắc tố làm cho các tế bào sắc tố tăng cường sản xuất các hạt melanin và vận chuyện chúng sang các tế bào sừng tạo nên các hình ảnh sạm da vùng hở, đặc biệt là 2 bên gò má, cho nên bệnh được gọi là rám má.
Bệnh gây ra các thương tổn cơ bản là các dát tăng sắc tố màu nâu, nâu đen, xanh đen, thường có tính chất đối xứng, không ngứa, không có vảy. Tổn thương thường khu trú hai bên gò má, thái dương, trán, mũi, quanh miệng.
Hơn nữa, bệnh thường tăng đậm vào mùa hè giảm về mùa đông. Bệnh xuất hiện cả nam và nữ, tuy nhiên nữ nhiều hơn. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi 20 và ở tuổi tiền mãn kinh.
Bệnh rám má được chia ra làm các thể như sau: – Thể nhẹ: tăng sắc tố nhẹ và tổn thương khu trú 2 bên gò má. – Thể trung bình: tăng sắc tố đậm hơn, tổn thương khu trú 2 bên gò má và bắt đầu lan ra các vị trí khác. – Thể nặng: tăng sắc tố đậm tổn thương lan rộng ra cả thái dương, trán hoặc mũi. – Thể rất nặng: tăng sắc tố đậm tổn thương lan tỏa ra ở mặt còn có thể xuất hiện trên cánh tay Và dựa vào vị trí khu trú của tổn thương người ta chia ra: – Rám má thể thượng bì: chủ yếu là các dát màu nâu, vàng nâu. – Rám má thể trung bì: tổn thương khu trú toàn trung bì, trên lâm sàng các dát sắc tố xanh, xanh đen, bờ thường rõ, kích thước nhỏ. – Rám má thể hỗn hợp: tổn thương khu trú cả ở thượng bì và trung bì trên lâm sàng có các dát tăng sắc tố có màu không đồng đều, có vùng, chỗ vàng nâu , chỗ nâu đen, xanh đen, xen kẽ nhau. |
Theo BS Ân, với những người bị rám má nhẹ, vừa phải có thể điều trị tại chỗ bằng các cách như: bôi đơn thuần vitamin A-acid; mỡ có chứa kem Hydroquinon, acid Azelaic; kem chống nắng có SPF cao; mỡ corticoid nhẹ hoặc trung bình không được dùng quá 10 ngày. Tuy nhiên, không dùng thuốc bôi cho các trường hợp rám má thể trung bì.
Còn với thể rất nặng, có thể kết hợp thuốc bôi với sử dụng các phương pháp như peel, laser. Phác đồ khuyến cáo điều trị theo thứ tự: Thuốc bôi – Peel – Laser.
Phòng bệnh rám má bằng cách:
– Hình thành thói quen thăm khám da liễu để phát hiện và điều trị sớm bệnh, tránh bệnh phát sinh. – Bảo vệ bằng đội mũ rộng vành, đeo kính , mặc áo dài khi ra nắng. – Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài trời 30 phút. – Thường xuyên kiểm tra sức khỏe phát hiện các rối loạn nội tiết kịp thời. – Sinh hoạt điều độ tránh thức khuya, bia rượu nhiều, không hút thuốc lá, ăn nhiều hoa quả, thức ăn có nhiều vitamin và khoáng chất. |