Tập thể dục thể thao không đúng cách sẽ khiến cơ thể gặp nhiều chấn thương, gây bệnh xương khớp mãn tính, nặng hơn gây ảnh hưởng đến tim mạch, nguy hiểm đến tính mạng.
ThS.BS Nguyễn Thuỵ Song Hà, Bộ môn Y học thể thao, Phòng khám đa khoa Phạm Ngọc Thạch (461 Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10) cho biết nếu tập thể dục không đúng cách cơ thể sẽ gặp nhiều hệ lụy.
Bác sĩ chỉ ra những sai lầm mà người tập hay gặp phải.
1. Không khởi động
Nhiều người tập thể dục không khởi động khiế cơ thể gặp các chấn thương về khớp, dây chằng. Nếu người tập vận động bất ngờ sẽ khiến cho lượng ôxy và máu trong cơ thể không đưa kịp thời tới các cơ tham gia vận động khiến cho các cơ không được vận hành đúng cách. Hãy dành 5-10 phút để khởi động cho cơ thể nóng lên, khởi động kỹ các khớp tay, chân, cổ… trước khi vào bài tập.
2. Chọn môn thể thao không phù hợp
Nếu người tập môn thể thao không phù hợp sẽ có nguy cơ dẫn đến các bệnh mãn tính như viêm khớp mãn tính, thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa, nứt, gãy xương sống. Ngoài ra có thể, người tập sẽ gặp các chấn thương gối, thắt lưng, cổ chân, vai, háng, cổ tay… Bạn nên ngừng tập thể dục khi thấy mình có những dấu hiệu sau như chóng mặt, tim đập nhanh, đau ngực, hơi thở ngắn, đau nhức các cơ… vì đó là dấu hiệu cho thấy cường độ tập quá sức
3. Tập quá thời gian quy định
Các chuyên gia trường đại học Copenhagen, Đan Mạch đã chứng minh, chỉ cần tập thể dục 30 phút/ngày sẽ giúp cơ thể giảm cân hiệu quả hơn tập 1 giờ. Những người luyện tập 30 phút giảm cân nhiều hơn 25% so với những người luyện tập 1 giờ. Với thời gian 30 phút, đủ để cơ thể đốt cháy năng lượng, nhưng vẫn còn năng lượng cho các hoạt động khác, trong khi luyện tập 1 giờ cơ thể mệt mỏi, ảnh hướng sức khỏe, lại kích thích bạn ăn nhiều món không có lợi cho sức khỏe.
Các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
4. Tập quá sức cơ thể
Khi mới bắt đầu luyện tập, bạn không nên luyện tập liền một mạch 30 phút, mà phải tập dần từ 5-10 phút, sau đó là 15-20 và 30 phút. Để cơ thể có thời gian thích nghi với chế độ luyện tập. Tránh luyện tập quá nhiều cùng một lúc, lại không đều đặn, sẽ không giảm cân hiệu quả.
5. Bù nước không đúng cách
Việc bù nước cần từ từ. Không phải cứ thấy khát là uống ừng ực chỉ làm nặng bụng, ảnh hưởng đến quá trình tập luyện. Hơn nữa, khi cơ thể bị mất nhiều mồ hôi, nếu uống một lượng nước lớn bù đắp trong một thời gian rất ngắn sẽ làm quá trình làm loãng máu diễn ra nhanh chóng, tăng gánh nặng cho tim và càng làm cho quá trình bài tiết mồ hôi nhiều hơn, mất chất điện giải khiến cơ thể nhanh mệt.
Sau khi luyện tập cũng nên uống nước nhiều lần trong khoảng 2 giờ để bù lại lượng nước đã mất. Chỉ dùng nước mát, không nên uống nước quá lạnh, nước có ga khiến cơ thể đang nóng nực khó điều chỉnh thích nghi và có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
6. Tắm ngay sau khi tập
Một sai lầm nữa mà người chơi thể thao thường mắc phải là sau khi chơi thể thao, cơ thể nóng nực thường chỉ muốn được tắm ngay cho mát mẻ. Tuy nhiên, việc tắm nước lạnh ngay sau khi vận động mạnh có thể gây ra phản ứng sốc cho cơ thể.
Khi nhiệt độ cơ thể đang cao, các lỗ chân lông nở ra tắm nước lạnh ngay sẽ làm cho cái lạnh thấm vào người đột ngột khiến cơ thể chưa kịp thích nghi dễ gây cảm, đau đầu, chóng mặt. Đặc biệt với những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp, sự thay đổi này có thể dẫn đến tình trạng co mạch, tăng huyết áp, dễ gây nguy cơ đột quỵ.
Nên luyện tập vào buổi sáng, ngay sau khi thức dậy, giúp bạn thức tỉnh các cơ quan, thúc đẩy hệ tiêu hóa trao đổi chất tốt hơn. Muốn giảm cân bạn phải tập đúng cách, thường xuyên, đều đặn, đúng thời điểm, đúng thời lượng. Trong những ngày hè nhiệt độ tăng cao, người tập luyện nên giảm bớt cường độ bằng cách chia nhỏ thời lượng các buổi tập, giảm bớt tần số và cường độ vận động, sắp xếp thời gian luyện tập hợp lý tránh tập vào thời điểm nắng nóng. |