Đôi chân không chỉ là điểm tựa quan trọng nâng đỡ toàn bộ cơ thể con người, đối với người phụ nữ, một đôi chân khỏe và đẹp còn là tiêu chuẩn để đánh giá vóc dáng của chị em.
Các bài tập yoga sau đây chính là một trong những bí quyết giúp mọi phụ nữ chăm sóc hiệu quả cho đôi chân của mình.
1. Bài tập thứ nhất
– Đầu tiên, chụm 2 chân và quì gối trên sàn nhà với 2 tay chống phía trước. Sau đó nâng dần người lên sao cho tay vẫn chạm xuống sàn, và thẳng tay. Đồng thời, thẳng chân sao cho chân, đầu gối và mông tạo thành một đường thẳng. Giữ nguyên tư thế này trong một vài phút.
– Trong khi giữ chân và cơ thể ở tư thế này, thực hiện động tác thở ra đều và nhớ luôn giữ chân ở tư thế thẳng. Động tác này giúp ích rất nhiều cho xương cổ tay, có tác dụng tốt cho những người bị mắc các chứng huyết áp cao hoặc chứng đau đầu. Tuy nhiên, những phụ nữ vừa mới sinh con không nên tập động tác này.
2. Bài tập thứ hai
– Trước tiên, quì 2 gối trên sàn nhà và ngồi trên 2 chân sao cho phần lưng vuông góc với chân và đùi. Mũi bàn chân thẳng và mu bàn chân tiếp xúc sát với đất.
– Thở sâu và từ từ ngả người ra phía sau với khuỷu 2 tay chống xuống đất, lòng bàn tay úp xuống đất (thực hiện lần lượt từng tay một). Để tạo cảm giác thoải mái khi thực hiện động tác này, nên kê thêm một tấm nệm dưới hông khi ngả người về phía sau.
Lưu ý: khi tập động tác này là luôn giữ cho xương cổ thẳng, lưng thẳng. Giữ động tác này trong khoảng từ 30 giây đến một phút trong lần tập đầu, những lần tập sau đó, có thể kéo dài thời gian đến khoảng 5 phút. Bài tập sẽ rất tốt cho cơ đùi của bạn. Để kết thúc động tác, từ từ chống 2 tay xuống sàn, sau đó nâng mông ra khỏi gót chân.
3. Bài tập thứ 3
– Quì gối trên sàn, giữ cho phần đầu gối 2 chân khép lại, còn 2 bàn chân có thể cách nhau một khoảng 40cm, lòng bàn chân ngửa lên trên, mông có thể đặt xuống sàn. Ngoài ra không một bộ phận nào khác của cơ thể được phép đặt lên chân. Tay đặt lên gối hoặc đùi.
– Trong khi ngồi ở tư thế này, luôn giữ cho lưng, cổ và đầu thẳng từ trên xuống. Đây là động tác có thể tập sau khi ăn no và có nhiều tác dụng tốt đối với xương, đặc biệt là ở những người bị mắc các chấn thương liên quan đến chứng viêm khớp ở chân.
4. Bài tập số 4
– Ngồi trên sàn với 2 bàn chân chụm vào nhau ở phía trước mặt. 2 tay nắm vào phần cổ chân và từ từ nâng từng bên chân lên sát người. Kết thúc động tác, đưa chân trở về vị trí ngồi ban đầu và thở sâu bằng mũi.
5. Bài tập số 5
– Đứng với 2 chân mở rộng, thẳng chân, rồi từ từ đưa toàn bộ phần trên cơ thể uốn vòng từ trên xuống dưới.
– Tiếp tục tập động tác tương tự nhưng với phần gối ở tư thế hơi chùng xuống. Khi đó, phần hông của cơ thể tự nhiên cũng sẽ chuyển động nhẹ theo phần thân người.
Tập lại động tác này từ 4 – 5 lần một cách chậm đều sẽ cho hiệu quả đối với toàn bộ cơ thể.
6. Bài tập số 6
– Trước khi tập động tác này, bạn cần cuộn một cái gối ôm hoặc một chăn thật êm đặt dưới lưng. Đưa 2 chân lên cao và dựa vào tường như kiểu “trồng cây chuối”.
Lưu ý: khi tập động tác này là khoảng cách giữa chân với tường và độ cao. Nếu cơ thể bạn quá cứng, hãy tập với độ cao vừa phải trước, 2 tay dang sang 2 bên, giữ cho đầu, lưng và hông thẳng.
Giữ động tác này trong vòng từ 5 -15 phút. Sau đó từ từ nghiêng sang một bên, hạ thấp hông và thở nhẹ.
7. Bài tập số 7
Là một động tác khởi động đơn giản nhưng rất có hiệu quả. Có thể đứng và xoay lần lượt từng bên chân, hoặc ngồi trên ghế, một tay nắm cổ chân, một tay nắm mũi chân và xoay đều.
8. Bài tập số 8
Ngồi trên ghế thả lỏng 2 chân và dùng những ngón chân để gắp từng viên bi dưới sàn. Đây là bài tập giúp luyện sự khéo léo cho đôi chân, đồng thời là một biện pháp hiệu quả trong việc chữa trị chứng tê khớp.
9. Bài tập số 9
Khép 2 chân và đứng thẳng người. Giữ chân thẳng và từ từ gập người về phía trước cho tới khi tay chạm xuống mũi chân. Bài tập này giúp giữ dáng chân thẳng và làm căng các cơ chân.
Theo Minh Ngọc – Sức khỏe và Đời sống/ beauty salon